Ngày 21/6/2016, tại phòng 305, giảng đường C, TS. Nguyễn Thị Lan Anh đã bảo vệ thành công đề tài nghiên cứu khoa học cấp Trường “Tổng hợp vật liệu mangan oxit pha tạp coban theo phương pháp sol-gel và thăm dò khả năng ứng dụng trong siêu tụ.
Đề tài được Hội đồng nghiệm thu đánh giá là có ý nghĩa khoa học và ứng dụng trong thực tiễn . Bởi vì, bằng các phương pháp nghiên cứu hiện đại như XRD, SEM tác giả đã cho thấy hình thái cấu trúc vật liệu ít bị ảnh hưởng bởi thành phần coban có trong oxit hỗn hợp nhưng chịu ảnh hưởng nhiều bởi sự thay đổi nhiệt độ nung. Thành phần coban pha tạp và nhiệt độ nung của vật liệu mangan oxit pha tạp coban đáp ứng siêu tụ tốt nhất là: 10% Co (về thành phần mol), nhiệt độ nung 300oC. Nghiên cứu tính chất điện hoá của vật liệu trong dung dịch Na2SO4 0,5M cho thấy vật liệu có dung lượng riêng đạt lớn nhất 268 F/g ứng với mẫu pha tạp 10% Co. Sau 1000 chu kỳ phóng nạp, vật liệu còn duy trì 75% dung lượng riêng so với ban đầu, hiệu suất culong đạt 97,6%. Như vậy, vật liệu mangan oxit pha tạp 10% Co có dung lượng riêng lớn hơn so với vật liệu mangan oxit không pha tạp, có độ bền phóng nạp tốt, đáp ứng được yêu cầu làm vật liệu điện cực cho siêu tụ.
Chủ tịch Hội đồng đề nghị nhóm nghiên cứu tiếp thu ý kiến đóng góp của các thành viên để tiếp tục hoàn thiện và sớm ứng dụng vào thực tiễn trong thời gian tới. Hội đồng nghiệm thu đã nhất trí thông qua và đánh giá đề tài xếp loại Tốt.
giảng đường, bảo vệ, thành công, nghiên cứu, khoa học, vật liệu, ứng dụng
Ý kiến bạn đọc